Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đang là một trong những thách thức lớn nhất ở ĐBSCL thì theo các chuyên gia trên lĩnh vực năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp biến nguy cơ, tác động xấu của BĐKH thành cơ hội.
Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) cho hay, trong 2 thế kỷ qua, con người đã khai thác và tiêu thụ tài nguyên Trái đất quá mức để thiên nhiên tự phục hồi (tốc độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhanh gấp 1,7 lần tốc độ phục hồi của Trái đất).
Các nguồn tài nguyên tự nhiên gồm: khoáng sản, nước, nhiên liệu hóa thạch, đất canh tác và tài nguyên sinh vật đều ở mức thoái hóa và suy giảm nghiêm trọng. Quá trình tiêu thụ tài nguyên đã phát sinh nhiều hậu quả liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và BĐKH.
PGS. TS. Lê Anh Tuấn cũng cho hay, hơn mười năm qua, BĐKH đã trở thành những vấn đề nghiêm trọng về kinh tế- xã hội và môi trường trên thế giới.
Trong đó, là vùng châu thổ cuối cùng của lưu vực sông Mekong, ĐBSCL ở Việt Nam là một trong các đồng bằng lớn đáng lưu ý về sự gia tăng rủi ro do khí hậu biến đổi đến cộng đồng dân cư.
“Việc phát triển năng lượng tái tạo giúp ĐBSCL biến nguy cơ từ BĐKH thành cơ hội. Ví dụ, trời nắng nóng sẽ tạo điều kiện cho chúng ta phát điện…”- ông nhận định vậy và cho biết thêm- “Ở ĐBSCL bước đầu đã có mô hình thí điểm sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thất thoát, giảm thiểu lao động…”
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất đặt 5.038 MW, chiếm 9,5% tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia.
Dự kiến, đến ngày 31/12/2019, sẽ có thêm khoảng 1.000 MW các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối vào hệ thống điện quốc gia góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt.
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt thì việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Đánh giá của các chuyên gia trên lĩnh vực năng lượng tái tạo cho thấy, khu vực miền Trung và miền Nam của Việt Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời với độ bức xạ đạt từ 4,2- 4,8 kWh/m2/ngày.
Tại Vĩnh Long, theo Sở Tài nguyên- Môi trường, thời gian qua, BĐKH có những diễn biến phức tạp. Theo kịch bản BĐKH tỉnh Vĩnh Long được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2016 thì dự báo đến năm 2020 (ở kịch bản trung bình), nhiệt độ trung bình năm là 27,64°C, tương ứng tăng 0,44°C so với thời kỳ nền 1980- 1999; lượng mưa trung bình năm là 1.491mm, tương ứng tăng 1,33% so thời kỳ nền.
Về xâm nhập mặn, ranh mặn 1‰ đã lên tới ranh giới Vĩnh Long- Trà Vinh trên sông Hậu và ranh mặn 6‰ đã xuất hiện trên sông Cổ Chiên. Các khu vực bị ngập do triều phân bố rải rác trong tỉnh.
Theo đó, địa phương có diện tích ngập cao nhất là TP Vĩnh Long (60% diện tích), Long Hồ, Vũng Liêm (46%) và TX Bình Minh (45%).
Cũng ở kịch bản trung bình, dự báo đến năm 2030, nhiệt độ trung bình năm là 27,87°C; lượng mưa trung bình năm tiếp tục tăng, đạt 1.501mm; ranh mặn 2‰ đã lên tới ranh giới Vĩnh Long- Trà Vinh trên sông Hậu và trên sông Cổ Chiên, ranh mặn 8‰ đã ảnh hưởng các xã thuộc huyện Vũng Liêm (giáp tỉnh Trà Vinh).
Theo đó, để chủ động ứng phó, Sở Tài nguyên- Môi trường sẽ phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện 37 giải pháp và 39 dự án ưu tiên ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt công tác quan trắc, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết bất thường do BĐKH để triển khai các giải pháp thích ứng…
Đặc biệt lưu ý các giải pháp thích ứng trong sản xuất nông nghiệp như thay đổi mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi…
Cùng với đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch hơn để giảm lượng phát thải khí nhà kính…
Là một trong những tỉnh của ĐBSCL chịu ảnh hưởng rõ rệt của BĐKH, Vĩnh Long đã và đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, tiềm năng là rất lớn nên cần khai thác, phát triển mạnh mẽ hơn, trong đó, có thể nghiên cứu triển khai phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái đến các hộ dân từ thành thị đến vùng nông thôn.
Theo: Báo Vĩnh Long